Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

SIÊU THOÁT.



“ Ở dưới bầu trời này
Mọi sự đều có lúc,
Mọi việc đều có thời:
Một thời để chào đời,
Một thời để lìa thế
Một thời để phá đổ
Một thời để xây dựng
Một thời để gây chiến
Một thời để làm hòa…” (GV.3)
Tất cả đều qua đi theo quy luật cuộc sống.
Bình tâm, siêu thoát trước mọi trạng huống của cuộc đời.
Xin cho tình yêu Chúa trong con mạnh hơn tất cả để con tín thác hoàn toàn vào Chúa dù cho mọi sự vật có biến đổi.

Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2011

XIN ĐƯỢC ƠN '"Ở LẠI" TRONG CHÚA

" Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi để nghỉ ngơi đôi chút" MC.6,31
Xin Cho con biêt tận dụng thời gian Chúa ban này để " ở lại" trong Chúa.

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

ƯỚC MƠ CÒN MẸ.



Sau biến cố đau thương ấy, Nó bỗng trở nên trầm ngâm và hay suy tư. Một mình với không gian yên tĩnh của đêm Nó lặng lẽ ngắm bầu trời với những vì sao thật đẹp. Nó ước mơ rất nhiều cho tương lai, nhưng khi đối diện vơi thực tại, Nó lại cảm thấy không vui vì cái nghèo cứ đeo đuổi Mẹ con nó mãi nơi vùng sông nước này. Trước đây mỗi khi có chuyện vui hoặc buồn nó đều chạy tới mẹ kể cho mẹ nghe tất cả, còn bây giờ khoảng cách giữa nó và mẹ nó xa quá, phải chăng vì nó không còn là một đứa trẻ nữa, hay vì nó hận mẹ nó đã không cho nó có một cuộc sống đầy đủ, nó và mẹ nó tựa như 2 mặt trời cùng tồn tại trên một bầu trời, hai mặt trời cùng tỏa sáng nên chẳng thể nhìn thấy nhau …
Tối qua, Nó bị sốt, cơn sốt kéo dài suốt đêm, mẹ nó vất vả tìm mọi cách làm giảm cơn sốt. Sáng nay, cơn sốt đã hết, nó cảm thấy đói mà  mẹ nó thì đã đi ra ngoài từ rất sớm, có lẽ ai đã gọi bà đi cắt lúa thuê? nhà nó nghèo không có đất nên cả hai mẹ con đều đi làm công cho người ta.
          Đang thiu thiu vì một đêm vật lộn với cơn sốt, nó nghe tiếng Bà Tư gọi vội vã: Tí! Tí! Mẹ mày chết rồi, ở con rạch nhà Ông Bảy, mày ra đó mau đi!
Nó chồm dậy khỏi cái chõng tre ọp ẹp, không hỏi Bà tư câu nào, Nó chạy vội về hướng nhà Ông Bảy, nó chạy nhanh lắm, chân nó không mang dép nó cũng không cảm thấy đau dù bàn chân của nó dẫm phải sỏi đá trên đường.
          Một đám đông xuất hiện trước mắt nó, nó biết lời bà Tư là sự thật. Mọi người rẽ ra khi thấy nó tới. Người nằm sõng xòai dứới đất quả đúng là Mẹ nó, thân mình tím ngắt, mắt mẹ nó vẫn còn mở, trên tay bà một con cá cũng chẳng còn hơi thở vẫn nằm gọn trong tay. Tim nó bỗng nhói đau khi thấy mẹ nó như thế, nó liên kết sự việc khi  thấy con cá trên tay bà và việc bà ra khỏi nhà sớm hơn mọi lần…nó dảo mắt tìm chung quanh, tìm gì nó cũng không xác định được và dường như nó đang muốn trốn trách một thực tại. Ông Năm như hiểu ý vỗ vai nói nhỏ với nó rằng: Mẹ con đã đi rồi,  bà xuống đìa này bắt cá nhưng con đìa này người ta đặt điện từ đêm … Bây giờ con về chuẩn bị nhà cửa, mọi người sẽ đưa mẹ con về, có ai đó đưa tay dìu nó đi, mọi người cùng giúp nó lo hậu sự cho mẹ.
           Tối, mọi người về lại nhà mình sau khi đã giúp tẩm liệm mẹ nó. Màn đêm đã phủ xuống , man đêm vẫn là thời điểm thuận tiện để nó bộc lộ cõi lòng mình. Đêm nay là đêm cuối nó được ở bên Mẹ. Nó đã khóc, tiếng khóc đầu tiên của đứa con trai mới bước qua tuổi thiếu niên, nó đã nói với mẹ rất nhiều về những điều nó chưa làm được cho mẹ mình. Đã bao lần nó từ khước nghĩa cử yêu thương mẹ nó dành cho nó, đã bao lần nó cố ý tạo khoảng cách chỉ vì không muốn hiểu mẹ nó, đã bao lần nó muốn nói lời yêu thương, biểu lộ sự quan tâm đối với mẹ nhưng nó cũng không làm được. Nó biết rằng cũng vì muốn cho nó có một tô cháo cá nóng sau một cơn sốt dài mà mẹ nó đã phải trả giá cả mạng sống mình. Nó thực sự trở thành người “vô sản”, ngay cả gia sản tinh thần là có một người cha, một người mẹ nó cũng chẳng có. Ngày mai nó sẽ bắt đầu một cụộc sống mới. Cuộc sống không có mẹ. Mặc cho hai hàng dòng nước mắt chảy dài. Nó nghiêng mình trước linh cữu mẹ như một lời tạ lỗi muộn màng, dù sao nó cũng cảm nhận mẹ nó đang mỉm cười nhìn nó.

Viết cho bạn, những người còn có mẹ, hãy trân trọng món quà quý giá mà Chúa đã ban cho bạn. Viết cho bạn, những người đã mất mẹ hãy giữ mãi những kỷ niệm đẹp về mẹ mình và chắp cánh bay cao cho những ước mơ đẹp của bạn.Viết cho em những người còn đang tuổi cắp sách  đến trường, hãy lắng nghe, cảm thông và thường xuyên nói chuyện, chia sẻ với mẹ vì Mẹ là gia sản quý giá mỗi người chỉ có một mà thôi.
Dã Thảo

CẦN MỘT CƠN LŨ CHẢY QUA TÂM HỒN


Cần một cơn lũ…
chảy qua tâm hồn

Quê tôi ở miền Trung, phần cơ thể gầy gò và ốm yếu nhất trên dải đất hình chữ S. Những ngày này, mảnh đất ấy đang căng mình hứng chịu những cơn lũ hung tợn nhất của bao năm qua.

Khi tôi và các bạn đang ngồi với nhau, vui vẻ kể chuyện thế giới đó đây, thì nơi Quảng Bình, Hà Tĩnh vẫn ngập trong biển lũ, cây gió vẫn gào thét trong đêm mưa. Điện là một thứ xa xỉ với họ bây giờ, có lẽ vậy. Họ thèm nước ngọt khi ta đang hứng những cơn mưa mùa thu thật nhẹ nhàng, họ thèm tô mì trong khi ta lang thang bún – phở trên những con đường tráng lệ đất thành đô. Và gì nữa? …Quần áo, thuốc thang hay một góc nhà khô ráo cho giấc ngủ trọn vẹn. Bình minh với họ bây giờ là bắt đầu với những nỗi lo: làm sao sống qua ngày? Làm sao đi học đây? Làm sao xây lại nhà?…

Người miền Trung quanh năm vất vả làm lụng, được bao nhiêu thì lo cất trữ vì biết rằng thiên tai sẽ ập đến, đó là quy luật. Tuy vậy, những phương tiện cất trữ thô sơ không giúp họ bảo toàn được tài sản của mình, mà cũng đâu có gì để mà phải cất trữ. Khi những cơn bão hoặc lũ lớn quét qua …nhiều gia đình đã không gượng dậy nổi !!!

Nhưng đáng buồn hơn hết, là có những người chỉ biết sống cho riêng mình. Thật bàng hoàng khi đọc những tài liệu về việc khai thác rừng ở Quảng Bình, đến nỗi tôi phải đưa nó cho anh bạn đồng nghiệp cũ để đăng lên báo.

Địa thế của tỉnh Quảng Bình là đoạn eo thắt, chiều ngang hẹp nhất đất nước, có dãy Trường Sơn cao vút trời. Vậy mà nhiều năm nay tỉnh Quảng Bình vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch khai thác rừng đầu nguồn xung yếu nhất. Chỉ tính riêng hai năm (2008-2009) UBND tỉnh Quảng Bình đã cho phép các công ty lâm - công nghiệp trong tỉnh khai thác gần 25.000m3 gỗ tự nhiên.
Quảng Bình có thể phải hứng chịu những trận lũ lớn nữa. Vì Hội đồng nhân dân tỉnh vừa thông qua nghị quyết về việc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng Quảng Bình giai đoạn 2008-2020. Theo đó, tổng sản lượng các loại gỗ khai thác trong thời kỳ quy hoạch 2008-2020 là 3 triệu m3, trong đó gỗ khai thác rừng tự nhiên là 180.000m3, một con số không nhỏ chút nào!
Đáng nói hơn, người ta cho khoanh vùng rừng từ mép đường Hồ Chí Minh (nhánh tây) trở lên biên giới Việt - Lào thuộc loại rừng sản xuất ở địa bàn hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, do Công ty lâm - công nghiệp Long Đại khai thác. Phía bắc xung quanh vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (đèo Đá Đẽo, huyện Minh Hóa, phía đông đường Hồ Chí Minh) do Công ty lâm - công nghiệp Bắc Quảng Bình khai thác.
Vì được khoanh vùng là rừng sản xuất nên người ta có thể thoải mái khai thác ở các khu vực trên, trong khi về mặt cấu trúc địa hình rừng núi của Quảng Bình và những chỗ các đơn vị đang khai thác chủ yếu là rừng nguyên sinh. Những nơi này đều là chỗ xung yếu, đầu nguồn của các sông Kiến Giang, Đại Giang (người dân hay gọi là Long Đại), Gianh... Bởi vì một con sông lớn có rất nhiều con sông, suối nhỏ từ các cánh rừng đổ ra.








Phá rừng ở đỉnh dãy Trường Sơn chẳng khác nào nhà dột từ nóc!
Cái giá phải trả qua cơn lũ lịch sử này, người dân tỉnh Quảng Bình gánh chịu nặng nề và thấm thía bài học giữ rừng. Ở những vùng núi cao chưa bao giờ có lũ lớn như Minh Hóa, Tuyên Hóa thì nay lũ vừa lớn vừa ngâm nhiều ngày.”
(x. Lũ lớn và bài học phá rừng xung yếu–Hải Luận-  báo Tuổi Trẻ thứ bảy 09/10/2010)

Cho nên, việc chúng ta phải làm ngay lúc này, không chỉ là chuyện quyên góp tiền bạc vật chất, không chỉ là những khẩu hiệu, thư ngỏ “tất cả vì Miền Trung thân yêu”, nhưng phải cùng nhau ý thức và bảo vệ thiên nhiên, phải có kế hoạch trồng rừng và khai thác rừng cách khoa học. Nếu tiếp tục đối xử thô bạo với thiên nhiên, chúng ta sẽ còn phải trả giá nhiều hơn nữa.


Lan Nhi.
17/10/2010